TIN NỔI BẬT
Hỗ trợ khách hàng
Hỗ trợ trực tuyến
Xây dựng Vùng Thủ đô thành khu vực tăng trưởng của Châu Á
Báo Xây dựng - 10/02/2016 10:22:04 SA       

(Xây dựng) - Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đánh giá hiện trạng, đưa ra các kịch bản phát triển, đánh giá động lực phát triển, ý tưởng và mô hình cấu trúc không gian, định hướng không gian, hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, các chương trình dự án ưu tiên, mô hình quản lý vùng và khung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển vùng.

 

Mỹ Đình – Nội Bài: Trục hành lang giao lưu quốc tế Định hướng không gian trong đồ án xác định rõ, vùng Thủ đô sẽ là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, năng động và đổi mới với 3 cực động lực phát triển là TP Hà Nội, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) và TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), là vùng trọng điểm sản xuất công nghiệp đa ngành như công nghệ cao, lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, đồng thời nơi đây sẽ hình thành kinhh tế tri thức, tổ hợp y tế cấp vùng, quốc gia, là vùng du lịch, di sản, trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại và giao dịch quốc tế.... Đến năm 2030 dự kiến quy mô đất công nghiệp toàn vùng là 57.000 ha, trong đó có 40.600 ha đất khu công nghiệp tập trung.

 

Phát triển hệ thống y tế tại các địa phương để giảm sự tập trung nhu cầu khám chữa bệnh tại nội đô, hình thành trung tâm y tế đa khoa tại Phủ Lý, Hải Dương, Thái Nguyên và Phú Thọ, đồng thời hình thành hệ thống cơ sở 2 của các bệnh viện tuyến trung ương. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Cần xác định rõ vai trò, vị thế của vùng Thủ đô Hà Nội.

 

Sản xuất nông lâm ngư nghiệp sẽ được phân thành các vùng, trong đó vùng đô thị trung tâm (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch, phát triển làng nghề, còn vùng đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương) phát triển vùng lúa chất lượng cao, rau quả sạch, đặc sản, vùng hoa, phát triển lâm nghiệp gắn với du lịch. Vùng miền núi trung du Tây bắc (Phú Thọ, Hòa Bình) phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, hình thành khu bảo tồn thủy sản tại hồ Hòa Bình.

 

Vùng miền núi trung du Đông Bắc (Thái Nguyên, Bắc Giang) phát triển cây công nghiệp đặc sản chè, cây thuốc, phát triển lâm nghiệp gắn với bảo vệ nguồn nước, cung cấp lâm sản. Hình thành các vùng bảo tồn và 2 tuyến hành trình di sản dọc quốc lộ 18 (từ Đền Hùng – Vĩnh Yên- Thành Cổ Sơn Tây – O Diên- Đan Phượng – Thăng Long Hà Nội- Cổ Loa – Luy Lâu Bắc Ninh – Côn Sơn Kiếp Bạc – Yên Tử - Vân Đồn) và dọc đường Hồ Chí Minh (từ Tràng An- Phố Hiến- Tam Chúc – Ba Sao- thành cổ Sơn Tây- Tam Đảo- Tây Thiên- Núi Cốc – ATK).

 

Trong định hướng phát triển giao thông, đề án nêu rõ, nên duy trì tỷ lệ vận tải hàng hóa ở mức hiện tại, khuyến khích sự chuyển đổi 50% lượng giao thông vận tải tăng thêm của đường bộ sang đường sắt. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ cấp cao, xây dựng mạng lưới đường sắt nội vùng, dự kiến xây dựng sân bay thứ 2, hình thành các đầu mối giao thông chuyển tiếp giữa các loại hình vận tải…

 

Tuyến Mỹ Đình – Nội Bài sẽ là trục hành lang giao lưu quốc tế với trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm văn hóa Asean, trung tâm thể dục thể thao Asiad, trung tâm tài chính bắc sông Hồng, trung tâm Tây Hồ Tây, trung tâm hành chính, văn phòng Mỹ Đình, trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình…. Cần chú trọng đến chất lượng cuộc sống Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Hà Nội mang tính khách quan, phù hợp với sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ sẽ là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của đất nước, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng trở nên mạnh mẽ hơn.

 

Cùng với đó, các địa phương trong vùng Thủ đô vừa được lợi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vừa chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra một vùng Thủ đô phát triển mạnh mẽ. Bộ trưởng yêu cầu, đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Hà Nội phải tính toán để huy động và sử dụng hiệu quả nhất những nguồn lực hữu hạn như đất đai, con người, cảnh quan thiên nhiên, mặt nước, sông hồ… Phải đề ra được những dự án hiệu quả để phát triển, tạo điểu kiện thúc đẩy đô thị hạt nhân. Đánh giá về đồ án, ông Erich - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Am – téc – đam (Hà Lan) nhấn mạnh: Đồ án có hình hài tốt, giải quyết các thách thức đặt ra trong quá trình phát triển của vùng Hà Nội.

 

Không gian cần đảm bảo tính chiến lược, linh hoạt, đảm bảo khả năng thích ứng, thích nghi nhanh với thay đổi, hình thành diện mạo, là dấu mốc quan trọng tạo nên sự khác biệt….Nếu tích hợp được những yêu cầu đó trong đồ án, chúng ta sẽ đạt được bước tiến phi thường bởi thành công của quy hoạch phụ thuộc vào lồng ghép quy hoạch, có tính đến nhân tố thay đổi biến động trong môi trường. Quy hoạch phải thích ứng thay đổi, thu hút nhà đầu tư để triển khai.

 

Đồ án này đã nghiên cứu sâu và đầy đủ, phác thảo được hình hài tốt trong tương lai. Tuy nhiên, đồ án cần xác định phân kỳ các dự án thành ngắn, trung và dài hạn. Trong quá trình triển khai xác định rõ tiềm năng tăng trưởng, phát triển để giữ cảnh quan đô thị, không phát triển tự phát. Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Am- téc – đam chia sẻ kinh nghiệm, không nên để đồ án là đống thông tin mà cần biến chúng thành câu chuyện thú vị với mọi người để lôi cuốn mọi người cùng tham gia.

 

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, đưa ra mô hình mở, tích hợp sáng kiến những người khác nhau sẽ mang lại kết quả tốt hơn đồng thời phải có kế hoạch truyền thông để mọi người hiểu về đồ án hơn… Đại diện phản biện đến từ Anh cho rằng, đồ án cần chú trọng hơn đến chất lượng cuộc sống của người dân, đến các công trình công cộng phục vụ cuộc sống cộng đồng, làm rõ nguồn vốn đầu tư, đưa ra lộ trình và những ưu tiên cụ thể. Cùng quan điểm đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Đặng Huy Đông nhấn mạnh: Đây là môi trường sống của con người nên chất lượng sống cần được quan tâm, nói như Bộ trưởng Bộ Xây dựng là chúng ta cần đưa ra bài toán tối ưu: quy hoạch để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực hữu hạn như con người, đất đai, môi trường .... Quy hoạch cần xem xét quy hoạch chiến lược của các địa phương, ngành và các nguồn lực cần được ưu tiên theo thứ tự.

 

Theo GS Trần Trọng Hanh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đồ án đã giải quyết vấn đề có tính khoa học về quy hoạch vùng thủ đô nhưng thuyết minh cần xúc tích, ngắn gọn. Đề nghị xác định rõ tiềm năng của vùng, đặc biệt nguồn lực đất đai, các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong giai đoạn tới. Tầm nhìn còn to nhưng không chất: nên rút quy mô và tăng về chất, môi trường, diện mạo, kiến trúc cảnh quan phải được coi trọng, các dự án nên xác định.

 

Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao du lịch Huỳnh Vĩnh Ái thì nhấn mạnh: Đồ án cần nhận diện rõ văn hóa vùng vì trong Vùng thủ đô hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa như văn hóa Hà Nội, văn hóa xứ Đoài, văn hóa phố hiến, văn hóa Thành Nam, văn hóa Cổ Loa và một phần văn hóa Mường (Hòa Bình)... Phải nhấn mạnh sử dụng trục giao thông Nhật Tân - Nội Bài, xây dựng một thành phố hiện đại quanh trục này. Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, không phải cơ sở ý tế nào cũng chuyển hết ra khỏi nội đô mà cần chuyển những cơ sở y tế có mức độ truyền nhiễm cao ra khỏi nội đô.

 

Chúng ta cũng cần đề cập đến khái niệm thành phố sức khỏe, người dân quan tâm hơn đến y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe. Quy hoạch tốt người dân sẽ có môi trường sống tốt, sức khỏe tốt....

 

Vũ Huyền – Trần Đình Hà

Tin mới hơn
Tin cũ hơn